Quy tắc 4
Hãy chấp nhận bản thân
Nếu bạn đã chấp nhận rằng cái gì xảy ra đã xảy ra rồi, bạn sẽ đối mặt với chính con người thực của bạn. Bạn không thể quay lại và thay đổi điều gì, vì thế hãy tiếp tục sống với những gì bạn có. Tôi không có ý định đưa ra những ý tưởng kiểu như hãy yêu chính bạn - như thế thật quá tham vọng.
Không phải vậy. Hãy bắt đầu bằng cách đơn giản là chấp nhận. Chấp nhận là điều hết sức dễ dàng bởi nó mang đúng nghĩa của “chấp nhận”. Bạn không cần cải thiện, không cần thay đổi, và cũng không cần cố gắng đạt được sự hoàn hảo mà ngược lại - chỉ cần chấp nhận thôi.
Bạn không cần cải thiện, thay đổi cố gắng theo đuổi sự hoàn hảo mà ngược lại - chỉ cần chấp nhận
Hãy biết chấp nhận những cái mụn của bạn, những điều xấu trong con người bạn, những điểm yếu và tất cả những gì tương tự. Điều này không có nghĩa thỏa mãn với bản thân hay trở nên lười nhác và sống một cuộc sống vô nghĩa. Chúng ta chấp nhận những gì ta có và dựng xây lên từ nền móng ấy. Điều chúng ta không làm là trách móc bản thân chỉ vì ta ghét điều gì đó về mình. Đúng thế, chúng ta có thể thay đổi, nhưng hãy để sau. Chúng ta mới đến quy tắc thứ tư thôi.
Sở dĩ điều này trở thành một quy tắc là bởi bạn không có sự lựa chọn nào khác. Chúng ta phải chấp nhận con người mình - kết quả của mọi điều đã xảy ra. Đơn giản chỉ có thế. Bạn cũng như tôi, như tất cả chúng ta, đều là con người - như vậy bản thân con người bạn cũng đã vô cùng phức tạp. Trong bạn luôn chứa đầy ham muốn, nỗi thống khổ, tội lỗi, đôi khi nhỏ nhen, lầm lạc, nóng nảy, thô lỗ, mất phương hướng, chần chừ, do dự và luôn đay đi đay lại chuyện gì đó. Sự phức tạp - đó chính là yếu tố khiến con người trở nên thú vị. Chẳng ai trong chúng ta hoàn hảo. Chúng ta bắt đầu với những gì chúng ta có và chỉ có một lựa chọn duy nhất, mỗi ngày, là nỗ lực vươn tới điều tốt đẹp hơn. Và đó là tất cả những gì người khác có thể yêu cầu chúng ta - lựa chọn. Bạn hãy tỉnh táo và nắm rõ mọi chuyện, hãy sẵn sàng để lựa chọn đúng và hãy chấp nhận sự thật là sẽ có những khi bạn không lựa chọn được như thế. Có lúc, như bất kỳ ai khác trong chúng ta, bạn cũng sẽ mất phương hướng. Như vậy cũng chẳng sao, đừng tự trách mình. Bạn hãy tự đứng lên và bắt đầu lại từ đầu, hãy chấp nhận sự thật là chúng ta sẽ thất bại hết lần này đến lần khác và rằng chúng ta chỉ là con người.
Tôi biết đôi khi rất khó, nhưng khi đã chấp nhận lời thách thức để trở thành người nắm luật chơi thì bạn đã đứng sẵn trên con đường tiến về phía trước, hãy thôi bới móc những khuyết điểm của mình và thôi tự làm khổ mình. Thay vào đó, bạn hãy chấp nhận những gì bạn có. Lúc này đây, bạn đang làm những gì tốt nhất có thể vì thế hãy tự khen thưởng mình và tiếp tục con đường.
Quy tắc 5
Hãy biết điều gì có giá trị và điều gì không
Có mặt trên thế giới này là điều có giá trị. Tốt bụng và chu đáo là điều có giá trị. Trải qua mỗi ngày mà không làm ai đó bị tổn thương là điều giá trị. Nhưng cập nhật công nghệ tiên tiến nhất thì chẳng thực sự có giá trị gì.
Xin lỗi, tôi không có ý coi thường khoa học kỹ thuật. Thật ra tôi là người cập nhật khá nhiều công nghệ hiện đại. Có điều tôi luôn tâm niệm: (a) không quá dựa dẫm vào kỹ thuật và (b) coi chúng như những công cụ hữu dụng thay vì quá coi trọng giá trị của chúng theo kiểu một thứ tài sản thể hiện địa vị hay ưu thế của bạn.
Làm những điều có ích cho cuộc đời bạn là điều có giá trị. Đi mua sắm khi bạn buồn chán thì ngược lại, chẳng có giá trị gì. Có thể, nhưng xét trên mọi khía cạnh của việc đi mua sắm, hãy xem bạn có thể làm điều gì có ích, có tìm được những giá trị đích thực hay không, có tìm được lợi ích gì hay không. Nói như thế không có nghĩa bạn phải từ bỏ mọi thứ và lao đến những đầm lầy đầy muỗi để giúp đỡ người dân ở đó chống lại trận dịch sốt rét - mặc dù điều đó có thể có giá trị, nhưng bạn không cần cực đoan quá mức như thế chỉ để khiến cuộc sống của bạn có ý nghĩa.
Quy tắc này chủ yếu khuyên bạn hãy chú tâm vào những điều quan trọng đối với bạn và thay đổi chúng theo hướng tích cực để biết chắc bạn thấy hạnh phúc với những mục tiêu mà bạn đang cống hiến cả cuộc đời mình (xem Quy tắc 6). Như thế không có nghĩa bạn phải cụ thể hóa những kế hoạch dài hạn đến mức chi tiết nhất. Bạn phải biết đại khái là bạn đang làm gì và rồi bạn sẽ đi đến đâu. Tỉnh táo vẫn hơn mơ màng phải không. Tim Freke, một trong những tác giả cùng hợp tác với tôi, gọi đó là cách “sống tỉnh táo”+ - một cụm từ hoàn hảo.
Trong cuộc đời này ít nhất có một thứ gì đó quan trọng và có nhiều thứ khác thì không. Chẳng mất nhiều thời gian suy nghĩ lắm để tìm ra cái gì có và cái gì không quan trọng. Thậm chí những thứ chẳng giá trị và chẳng quan trọng còn tồn tại nhiều hơn để bạn chọn. Tôi không định nói chúng ta không thể có những điều vụn vặt - chúng ta hoàn toàn có thể và như thế cũng tốt. Chỉ có điều đừng nhầm lẫn những điều vụn vặt là những điều quan trọng. Dành thời gian cho bạn bè và những người bạn yêu quý là điều quan trọng còn việc dõi theo những bộ phim truyền hình thì không. Trả nợ là điều quan trọng còn việc bạn đang dùng nhãn hiệu bột giặt gì thì không. Nuôi dạy con cái bạn và cho chúng biết thế nào là giá trị đích thực là điều quan trọng, còn việc cho chúng diện những bộ đồ hợp mốt nhất thì không. Bạn hiểu ý tôi chứ. Hãy nghĩ về những điều có giá trị mà bạn làm - và hãy làm nhiều hơn.
Quy tắc 6
Dành trọn cuộc đời bạn cho điều gì đó
Để biết điều gì có giá trị, điều gì không, bạn phải biết bạn đang cống hiến cuộc đời mình cho cái gì. Tất nhiên, đây là vấn đề lựa chọn cá nhân, vì vậy sẽ không có câu trả lời đúng hay sai - nhưng bạn cần có câu trả lời thay vì lắc đầu chẳng biết gì hết.
Lấy chính tôi làm ví dụ, cuộc đời của tôi bị chi phối bởi hai điều: (a) ai đó từng nói với tôi rằng nếu linh hồn là thứ duy nhất tôi có thể mang theo sau khi từ giã cõi đời thì hãy biến nó thành thứ tốt đẹp nhất mà tôi có và (b) sự giáo dục kỳ cục mà tôi nhận được.
Điều đầu tiên không hề mang chút màu sắc tôn giáo nào, ít nhất là với tôi, nhưng nó đã đánh trúng tim đen của tôi, đã khơi dậy điều gì đó. Cho dù tôi sẽ mang theo điều gì, tôi cũng phải để tâm đến nó hơn để bảo đảm rằng đó sẽ là thứ tốt nhất. Lời khuyên khiến tôi phải ngẫm nghĩ. Nhưng làm thế nào đây? Tôi vẫn chưa trả lời được câu hỏi này. Suốt cuộc đời mình, tôi đã khám phá và đã trải nghiệm, tôi đã học và đã phạm sai lầm, tôi đã là người đi đầu và cũng là người đi sau, tôi đã đọc, đã quan sát và trăn trở với câu hỏi lớn này. Làm thế nào tự nâng chúng ta lên đến tầm ấy? Câu trả lời duy nhất tôi tìm ra là hãy sống tốt nhất có thể, hãy sống mà ít gây ra rắc rối nhất có thể, hãy đối xử với bất cứ ai với sự tôn trọng. Đó là điều mà vì nó tôi đã cống hiến cả cuộc đời mình và với tôi, nó thực sự xứng đáng.
Vậy, làm thế nào mà nền giáo dục kỳ cục kia khiến tôi để tâm đến việc cống hiến cuộc đời mình? Chấp nhận nền giáo dục tôi đã được ban cho và xem nó như động lực thúc đẩy hơn là ảnh hưởng xấu, tôi nhận thức sâu sắc rằng nhiều người cần xóa bỏ cảm giác bị ảnh hưởng bởi những điều đã xảy ra trong quá khứ. Tôi cống hiến cả cuộc đời mình cho việc đó. Vâng, có thể bạn cho như thế là điên rồ. Nhưng ít nhất, tôi cũng có mục tiêu cho mình, mục tiêu thực sự xứng đáng.
Quyết định cống hiến cuộc đời mình cho điều gì đó là thước đo giúp tôi biết mình đang làm gì, làm thế nào, và sẽ đi đến đâu
Cả hai điều trên đều chẳng có gì to tát và khi kể với bạn, tôi muốn cho bạn thấy tôi không làm điều đó vì những lời tán dương - “Templar đã cống hiến cả cuộc đời mình cho…” - hay cái gì đại loại như vậy. Nó là điều gì thầm lặng hơn thế, bởi trong lòng mình tôi biết tôi có một mục tiêu để dành tâm huyết vào đó. Đó là thước đo để tôi có thể đo (a) tôi đang sống thế nào, (b) tôi đang làm gì và (c) tôi sẽ đi đến đâu. Bạn không cần loan báo chuyện đó. Bạn cũng không cần nói với ai (xem Quy tắc 1), chỉ cần một lời tuyên thệ sứ mệnh trong im lặng. Ví dụ, sứ mệnh của Disney là “khiến mọi người hạnh phúc”. Hãy quyết định bạn sẽ cống hiến cuộc đời mình cho điều gì. Phần còn lại đơn giản hơn nhiều. ^^!